“KHINH” NGÀNH HỌC CỦA NGƯỜI KHÁC

Ắt hẳn, đối với những bạn chọn ngành học không theo số đông, ít nhiều cũng đã trải qua cảm giác bị người khác “khinh” ngành học đó như thế nào rồi nhỉ? Những câu hỏi mà các bạn hay nhận được có thể là “Ngành đó xét tuyển khối gì”, ” Sao khối gì ngành đó cũng tuyển vậy?” ” Học ngành đó ra làm gì?”, ” Ai xin việc cho?”,…

Mình từng nghĩ những câu hỏi này chỉ dừng lại khi mình ở Việt Nam. Nhưng không, gần đây mình vẫn bị hỏi khi mình qua tới Đức và ngồi nói chuyện với một số người “bạn” Việt Nam ở Đức. Sau khi kết thúc câu hỏi về ngành học, mình trả lời rằng mình học Lâm nghiệp và hiện tại mình đang học ngành về Rừng tại Goettingen. Mặc dù Goettingen là trường đứng đầu trong bảng xếp hạng về đào tạo chuyên ngành Rừng ở Đức. Mình và những người bạn khác cũng đã phải nổ lực rất nhiều để có được học bổng, để theo đuổi đam mê của bản thân. Nhưng tất cả nhận lại là sự “khinh”…

Đầu tiên, mình sẽ dùng trải nghiệm của người Việt để nhìn nhận về vấn đề này. Đúng, mình không hề phủ nhận. Học Lâm nghiệp và làm việc về thiên nhiên không phải là một công việc phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Chưa kể, công việc này lại rất vất vả. Thay vì ngồi ở trong phòng điều hòa mát lạnh, bạn phải đi ra ngoài “kết nối với thiên nhiên”. Thay vì ngủ ở nhà chăn ấm đệm êm, thỉnh thoảng bạn phải ngủ ở lều, võng, xung quanh là tiếng muỗi vo ve, tiếng chim hót líu lo vào mỗi sáng sớm. Vậy nên khi nói về học Lâm nghiệp, đa số người Việt chúng ta sẽ bảo thôi, học làm gì, khó xin việc, vất vả. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng đánh đồng quan điểm rằng mức xét tuyển của trường ĐH Lâm nghiệp thấp. Điều đó, đồng nghĩa với việc là ngành học “không ra gì”, ai cũng có thể vào được.

Nhưng…

Các bạn nào đâu biết, hiện tại, đã có rất nhiều người đang phải trả tiền cho các hoạt động trải nghiệm thiên nhiên. Họ muốn được cân bằng giữa cuộc sống thành thị và núi rừng. Trường ĐH Lâm nghiệp, xét tuyển đa khối cho ngành học, bởi học về rừng, học về thiên nhiên cần phải áp dụng kiến thức về hầu hết các môn học ở cấp 3. Môn Sinh phụ giúp cho bảo tồn nguồn gen, môn Hóa là kiến thức cơ bản để giúp bạn học về đất. Những công thức Toán học ở cấp 3 sẽ là trợ thủ đắc lực cho bạn ở môn thống kê hay học tốt môn Văn sẽ giúp các bạn diễn đạt cũng như suy luận tốt khi bạn tìm hiểu về các chính sách trong Lâm nghiệp. Chưa kể, nắm chắc kiến thức môn Địa lý sẽ là một điểm cộng để bạn học về biến đổi khí hậu…Thật sự, nếu như bạn không có kiến thức nền tảng tốt và tình yêu hay sự gắn kết với thiên nhiên, bạn sẽ rất khó làm việc trong lĩnh vực này.

Ở các nước phát triển, họ đã và đang rất chú trọng trong việc quản lý rừng bền vững. Trẻ em được dạy cách kết nối với thiên nhiên và yêu thiên nhiên khi còn rất nhỏ. Do đó, họ rất đánh giá cao những người học về rừng.

Bài viết này chỉ là một vài nhìn nhận từ những trải nghiệm của cá nhân mình. Từ sự không vừa lòng của mình khi nhìn thấy những ngành học thiểu số bị đánh giá thấp. Chỉ mong rằng, trong tương lai, sự kì thị hay đánh đồng quan điểm sẽ hạn chế lại để chúng ta được sống trong một môi trường văn minh nhất có thể.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *