CÓ NÊN CHO ĐVHD ĂN KHI ĐI DU LỊCH KHÔNG?
Mấy hôm nay, mình có đọc được một vài thông tin về vụ khỉ ở Vũng Tàu vì đói quá phải xuống núi tìm đồ ăn hay khỉ bị điện giật khi đang đi tìm đồ ăn…Thật ra, mình chỉ mới đến khu chùa Khỉ ở Vũng Tàu một lần, cũng chưa cơ nhiều cơ hội được nói chuyện hay tiếp xúc nhiều với người dân địa phương và cơ quan chức năng ở Vũng Tàu ở đây để nghe những câu chuyện chia sẻ của họ rồi có một cái nhìn đa chiều. Đọc xong những bài báo ở Vũng Tàu, mình chợt nhớ tới chuyến công tác hỗ trợ tháo vòng cổ cho khỉ ở Tòa thánh Tây Ninh – hơn 100 con Khỉ đang sinh sống ở đây. Trường hợp ở Tòa thánh cũng gần giống như trường hợp ở Vũng Tàu, vậy nên mình chia sẻ một chút về trải nghiệm của mình khi được trực tiếp làm việc, được ngồi nghe những lời tâm sự của người dân, cơ quan chức năng ở Tây Ninh. Từ đó, mong rằng những người đi du lịch như chúng ta có một cách cư xử đúng hơn.
Một năm trước, lúc mình chỉ mới bắt đầu đi làm được 3 tháng, nhận được tin mình được đi Tây Ninh, mình vui lắm. Lúc đó chỉ nghĩ được đi là vui rồi, chả cần nghĩ ngợi gì nhiều cũng chẳng tìm hiểu gì về Tòa thánh. Khi đến nơi, vừa làm nhiệm vụ vừa nghe người dân kể chuyện thì mình mới biết xiu xíu về Tòa thánh. Tòa Thánh Tây Ninh hay còn được người dân địa phương gọi với cái tên thân thuộc là Đền Thánh, là nơi thờ Thiên Nhãn – biểu tượng thiêng liêng của đạo Cao Đài. Tòa thánh xây dựng trên diện tích gần 12 km2, có hàng rào bao bọc xung quanh và bao gồm nhiều công trình lớn nhỏ: Tòa thánh, đền thờ Phật mẫu, bửu tháp. Tòa thánh dài khoảng 100m, với 12 cửa, cửa Chánh Môn là cửa lớn nhất. Mặt ngoài có 2 tháp cao 36m. Đặc biệt công trình này được xây dựng bằng xi măng cốt tre. Một trong những nét độc đáo của kiến trúc Tòa Thánh Tây Ninh đó chính là sự kết hợp phong cách của nhiều văn minh tôn giáo trên thế giới. Lúc đến tòa thánh thì mọi người có một vài lưu ý là giờ lễ chính ở đây là 12h trưa, mọi người có thể tới tham quan bất kì giờ nào tuy nhiên không được mang giầy dép, giữ vệ sinh chung và chỉ có thể được vào Đạị Điện từ hai bên cửa, nam giới vào bên của bên phải, nữ giới đi cửa bên trái.
Khu vực nội ô Tòa thánh có hàng trăm con khỉ đuôi lợn và đuôi dài đang sinh sống. Khỉ ở đây thường có nguồn gốc từ người dân. Tức là người dân nghe tin việc nuôi ĐVHD trái phép sẽ bị phạt vì vậy họ đem đi thả ở Tòa thánh. Những chiếc vòng sắt đeo trên cổ của khỉ bị chật, hằn sâu vào cổ nên cơ quan mình tới giúp để bắt và tháo những chiếc vòng cổ đó. Chưa kể còn có một vài người dân thì đi bắt trộm khỉ để về nấu cao, tàn nhẫn vô cùng. Nguồn thức ăn chính của khỉ ở đây là do 1 nhóm thiện nguyện, các anh chị ngày nào cũng đi chợ mua hoa quả cho khỉ. Theo như họ ước tính, một ngày số tiền mua hoa qua cho khỉ khoảng 800.000 VNĐ/ ngày. Vậy tính ra một tháng sẽ khoảng 24.000.000 VNĐ mua hoa quả. Bên cạnh đó, một vài khách du lịch và người dân khác cũng đem cho khỉ ăn. Vì là dân lao động, cuộc sống của các anh chị phải bươn chải kiếm sống khá vất vả, bao nhiêu năm vì tình yêu thương ĐVHD, các anh chị phải tích góp mua đồ cho chúng nó. Vậy hành động của anh chị hay khách du lịch ngày ngày cho khỉ ăn như vậy là nên hay không nên
Nói về lí thì là không nên, bởi việc cho ĐVHD ăn như vậy sẽ gây ra hậu quả rất nhiều. Cụ thể:
- Gây nguy cơ bị thương cho con người và động vật
- Thức ăn mà con người cho động vật hoang dã ăn có thể không phù hợp với hệ tiêu hóa của động vật hoang dã và khiến chúng bị khó chịu, nguy hiểm hơn có thể tử vong.
- Tăng nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người và ngược lại. Bởi vì khi cho ăn, động vật hoang dã tiếp xúc gần với con người có thể khiến các mầm bệnh ở động vật hoang dã có cơ hội truyền sang người.
Nói về tình thì sẽ có hàng loạt các câu hỏi sẽ đặt ra như khỉ ở Tòa thánh, Tây Ninh hay ở chùa Khỉ, Vũng Tàu đều là khỉ đã bị nuôi nhốt lâu, thả ở khu vực đền, chùa. Ở đền, chùa thì ai là người chịu trách nhiệm chính trong việc quản lí số lượng khỉ và đảm bảo đồ ăn? Cây ăn quả không có thì chúng nó kiếm sống như thế nào? Nếu người dân không cho chúng nó ăn thì chúng nó đói rồi đi xuống khu dân cư phá người dân, tấn công người dân?
Tóm lại, ĐVHD hay khỉ nói riêng đang ở các khu vực đền chùa, khu du lịch sẽ chịu sự quản lí của các cơ quan chức năng. Khách du lịch như chúng ta, đừng vì thể hiện là mình yêu ĐVHD xong có đồ gì cũng cho chúng nó ăn như nước ngọt, bánh ngọt. Người ăn bánh ngọt, uống nước ngọt nhiều cũng bị bệnh vậy nói gì tới ĐVHD. Đừng vì một chút tình thương mà tự nghĩ là đúng. Khi đi tới các chỗ như vậy thì chúng ta hãy cất hết đồ ăn hay nước uống vào bao lô, đừng để cho tụi nó nhìn thấy để trách bị giật hay bị tấn công.
Dù là tình hay lí gì thì khách du lịch cũng KHÔNG NÊN cho ĐVHD ăn.