KHẢO SÁT ĐA DẠNG VÀ TÌNH TRẠNG BUÔN BÁN TRÁI PHÉP
Nếu có ai đó hỏi mình rằng: “Khoảng thời gian đáng nhớ trong quãng đường sinh viên của mình là gì?”. Ắt hẳn, không một phút giây do dự, mình trả lời đó là khoảng thời gian mình được đi thực địa làm khóa luận. Không phủ nhận rằng, quá trình làm khóa luận là quá trình đau đầu, áp lực nhất của sinh viên. Vì vậy, một số bạn sẽ thường chọn thi thay vì làm khóa luận để tốt nghiệp đại học. Có nhiều cách để định nghĩa khóa luận là gì, nhưng hiểu một cách dễ dàng đó là công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên năm cuối với một đề tài được lựa chọn tự do. Kết quả của quá trình sẽ được đánh giá theo hội đồng và là điều kiện để sinh viên có được ra trường hay không?
Mình khá là may mắn vì mình xác định được thầy hướng dẫn từ những ngày mới bắt đầu năm cuối Đại học nên cũng có nhiều thời gian để lựa chọn. Rùa cạn (tortoise) và rùa nước ngọt (fresh turtle) là đối tượng mình chọn để nghiên cứu. Quá trình nghiên cứu của mình được sự hỗ trợ không những từ thầy, từ cán bộ chương trình của một trung tâm mà còn sự giúp đỡ từ những người anh đi trước. Nếu không có sự giúp đỡ của mọi người, mình không thể hoàn thiện khóa luận với một kết quả ngoài mong đợi như vậy. Thật lòng, ngay tới thời điểm bây giờ, khi nhìn lại, mình cảm kích và biết ơn vô cùng.
Nhớ lại hôm đó, khi mình nhận được tin báo từ thầy rằng kế hoạch bị thay đổi và đã liên hệ với bên cán bộ (bên C), ngày kia mình phải đi thực địa trong vòng 7 ngày cho chuyến thực địa đầu tiên. Mình bị hoảng, mình sợ mặc dù mình chọn đề tài làm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Động – một khu bảo tồn mới và đang còn nguyên sơ được thành lập tại quê mình-Thanh Hóa. Nhưng mình chỉ có một ngày để chuẩn bị cho tất cả mọi thứ. Chưa kể nữa là ngày hôm đó mình phải học tới 3 giờ chiều, đi sao kịp để hôm sau lên tới nơi đi khảo sát. Hớt ha hớt hãi, mình gọi điện thoại cho nhà xe và đi chuyến cuối cùng là 5h chiều chạy từ Xuân Mai, Hà Nội về Quan Sơn, Thanh Hóa. Mình sẽ mất khoảng gần 7 tiếng mới tới bản mà mình ở.
Lúc ngồi trên xe, tất cả mọi người trên xe từ anh tài xế tới người khách vãng lai, tất cả đều ngạc nhiên với mình. Một cô bé 21 tuổi, ngồi xe đò tới một nơi xa lạ vào lúc tối muộn. Không giấu gì, mình cũng sợ lắm, nhưng tự giấu sự sợ đó vào phía trong vì nhủ rằng: Nếu mình không làm thì sao mà tốt nghiệp, mọi chuyện đều do mình quyết. Nhờ có anh Oanh, một người dân bản địa ở đây cũng là một người anh học khóa trước đã cho mình ở nhờ, hỗ trợ mình đi phỏng vấn và kể những câu chuyện về người dân tộc cho mình nghe.
Người Thái, họ chân thật và thân thiện làm sao. Lần đầu mình được ngủ nhà sàn, lần đầu được ăn xôi 7 màu, lần đầu được nhìn thấy cảnh thiên nhiên vùng miền núi của Thanh Hóa . Đôi mắt to tròn, đen láy của những cô bé, cậu bé tràn đầy sự vô tư, ngây ngô, khiến mình hòa nhập với cuộc sống nơi đây khá nhanh. Chẳng còn lo sợ, tủi thân gì mặc cho tối hôm đó là sinh nhật mình.
Công việc chính của họ là làm rẫy, rồi đi vào rừng hái măng, hay bắt rùa để bán kiếm thêm thu nhập. Vì vậy, gần 80% nhà đều có mai rùa, có gia đình thì họ còn phủ sơn bóng lên mai rùa để làm đồ trang trí treo trong nhà. Chỉ cần nghe nói là sinh viên lên đi thực tập, là các cô các chú giúp đỡ hết mình. Mình xin chụp ảnh hay xin mai rùa về để làm minh chứng cho khóa luận, họ đều không ngần ngại mà cho.
Sau khi đợt phỏng vấn kết thúc thì mình tiếp tục đi đợt 2,3 là đi khảo sát trong rừng. Một trải nghiệm khó quên làm sao, mình không những được ngủ võng mà còn nằm ngủ ở lán mà phía dưới đàn bò cứ thục thục. Lần đầu tiên hiểu cái cảm giác thiếu nước và ngủ trong rừng sâu vào những buổi trưa hè nóng gắt không có quạt như thế nào.
Thực địa và thực tập chính là những cơ hội quý báu cho sinh viên được trải nghiệm. Vì vậy, các bạn đưng do dự mà hãy tham gia một cách tích cực nhé!
Mình đính kèm link bài nghiên cứu dành cho những bạn quan tâm: https://link.springer.com/article/10.1007%2Fs10531-020-02061-y
Một vài lời khuyên gửi tới các bạn sinh viên Lâm nghiệp khi làm NCKH hay khóa luận:
- Nếu có thể thì nên làm NCKH càng sớm càng tốt, điều này có thể làm tiền đề cho khóa luận tốt nghiệp;
- Lập kế hoạch chi tiết về các phương án A, B, C. Bởi vì khi đi thực địa, chúng ta phải cần sự cấp phép cũng như sự hỗ trợ từ rất nhiều bên;
- Dự trù chi phí là điều cần thiết khi lập kế hoạch thực địa (đừng bỏ xót);
- Chuẩn bị đầy đủ các vật dụng đi rừng: GPS, giày, võng, vớ,…
- Nên đem theo 1 cuốn sổ nhỏ để viết nhật kí đi rừng, sử dụng điện thoại cũng được nhưng phòng TH điện thoại hết pin;
- Chụp ảnh lại toàn bộ quá trình đi thực địa, gặp cái gì hay ho thì nên lôi máy ảnh ra chụp liền;
- Nếu là con gái thì nên chuẩn bị thật kĩ các đồ dùng cá nhân;