MỐI LIÊN QUAN GIỮA DU LỊCH, ĐỘNG VẬT TRONG MÔI TRƯỜNG NUÔI NHỐT
Có nhiều loại cơ sở nuôi nhốt động vật, thường cho phép cộng đồng xem hoặc tương tác với động vật. Những nơi này gồm: sở thú ở đô thị, các công viên safari ở vùng nông thôn, các chuồng chim lớn (aviary), trung tâm nuôi chim ưng; trại cá sấu; trại rắn; các nơi cưỡi động vật; trại voi; nơi nuôi nhốt cá heo; khu bảo tồn động vật mở cửa cho công chúng; trung tâm cứu hộ và phục hồi động vật mở cửa cho công chúng; sở thú; động vật bị nuôi nhốt vì mục đích trưng bày hoặc biểu diễn.
DU LỊCH, ĐỘNG VẬT VÀ MÔI TRƯỜNG NUÔI NHỐT
Đảm bảo các tiêu chuẩn phúc lợi động vật phù hợp trong môi trường nuôi nhốt là khá phức tạp. Các loài động vật đã tiến hóa qua hàng ngàn thế hệ, cả về thể chất và hành vi, để tối ưu khả năng sống sót trong tự nhiên. Trong môi trường nuôi nhốt, động vật có khả năng đối mặt với nhiều thử thách mà tiến hóa chưa chuẩn bị cho chúng, chẳng hạn như vị trí địa lý, khí hậu, chuồng nuôi, thực vật xa lạ với loài động vật hoang dã. Tương tự, sẽ không có một số thử thách sống còn mà động vật đối mặt trong môi trường hoang dã khi chúng phải sống trong môi trường nuôi nhốt như săn mồi, tìm kiếm thức ăn, bảo vệ lãnh thổ, thống trị trong đàn. Để đáp ứng các tiêu chuẩn phúc lợi cao, những điều kiện này cần được cung cấp hoặc cần được bù đắp bởi con người. Trong môi trường nuôi nhốt, động vật thường dựa vào con người để có được các điều kiện phù hợp về thể chất, xã hội, sinh học và các điều kiện khác.
NHỮNG TÁC ĐỘNG VỀ PHÚC LỢI CÓ THỂ XẢY RA TRONG MÔI TRƯỜNG NUÔI NHỐT
Trong môi trường nuôi nhốt, điều kiện sống cần đáp ứng nhu cầu của từng loài động vật. Ví dụ, có thể cho động vật cơ hội đào, leo trèo, chạy, bơi hoặc tương tác với đàn như một thành viên của đàn. Các yêu cầu khác nhau tùy vào loài động vật bị nuôi nhốt trong môi trường đó. Thất bại trong việc đáp ứng các nhu cầu đó, chẳng hạn như nuôi động vật trong điều kiện không phù hợp trong thời gian dài hoặc trong môi trường xã hội không phù hợp, có thể làm tổn thương sức khỏe thể chất và tinh thần của động vật, góp phần làm phát triển các hành vi bất thường, bệnh tật và tử vong sớm (phúc lợi kém). Tương tự, các hành động xâm lấn như hạn chế di chuyển, huấn luyện bằng trừng phạt và các kỹ thuật củng cố tiêu cực, động vật bị huấn luyện để biểu diễn các hành vi không tự nhiên, làm thay đổi các đặc điểm sinh lý bình thường của động vật để làm giảm nguy cơ khi tiếp xúc với động vật (ví dụ: rút móng, đánh thuốc động vật, bẻ răng,…)* có thể gây căng thẳng kéo dài và nghiêm trọng.
Bài viết được dịch bởi: Phòng Phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật Châu Á. Lược dịch từ Animal Welfare Guidelines (2019), Overview manual, ABTA – Hiệp hội các đại lý lữ hành Anh